Voz ngoại truyện – fRzzy
Trung sinh, thuở nhỏ nghèo khó, phải lang thang ở chợ, ráp máy tính mà kiếm ăn độ nhật qua ngày. Có vị đạo sỹ đi ngang qua, nhác thấy Trung sinh cốt cách tinh kỳ, mà dương khí thịnh vượng, lấy làm thích lắm, bèn nhận làm đệ tử mà truyền thụ.
Đạo sỹ muốn đặt cho cái tên thật hay, để tiện sau này dương danh lập phái, ngặt nỗi nghĩ mãi chẳng ra tên nào.
Bấy giờ các nhà học thức trong vùng thịnh lối đặt tên con theo tích, tỷ như có nhà kia lúc vợ chồng hợp cẩn, dùng loại có hương hoa hồng, rủi mà vẫn gặp cảnh hạt rụng mầm đơm, thì đành lấy Hoa Hồng mà đặt tên con vậy. Còn như các bậc thuộc hàng cự phú thương gia, lại sính lối nói lái, như các tên Đỗ Lít, Gia Bảo…
Đạo sỹ đối với phong tục trong vùng, rất lấy làm hứng thú, bèn kết hợp 2 lối ấy, mà đặt cho tên là Tình Trung, lại nhân vì đạo sỹ họ Bạch, nên Trung sinh mới có tên Bạch Tình Trung vậy.
Trung sinh được đạo sỹ nhận làm đệ tử, lòng rất đỗi vui mừng, sớm khuya hầu cận. Đạo sỹ cũng vì lòng quý mến, mà bao sách vở kinh thư, đều truyền cho Trung sinh hết.
Tuy vậy, Trung sinh cũng không ấy làm ham thích, lại thường bảo đạo sỹ rằng:
– Lập thân tối hạ thị văn chương, cái nghiệp văn vở chỉ làm con người mê muội, chả khác nào trăng soi bóng nước, có hư mà không có thực. Còn như luyện võ, chỉ là to bắp khỏe cơ, chả khác nào hạng phu phen bốc vác. Không lợi lộc gì.
Đạo sỹ nghe vậy, cũng lắc đầu mà chịu, chả biết làm sao.
Một bận, Trung sinh nhân lúc dọn dẹp thư phòng, mà thấy mấy cuốn sách được đạo sỹ cất dưới đáy rương, thấy tiêu đề ghi những là: Kim Bình Mai truyện, Nhục bồ đoàn, Tố Nữ chân kinh…, bèn tò mò đọc thử, cảm thấy đầu óc rạo rực, thân thể bồn chồn, từ đấy ngày ngày ngâm cứu, lấy làm ưa thích lắm.
Đạo sỹ biết chuyện, bèn cười lớn mà rằng:
– Con quả hợp tính ta, thật là không uổng công dạy bảo.
Từ đó hai thầy trò ngày đêm học tập, mỗi tuần lại đến chốn thanh lâu ôn luyện mấy lần, quả là kiến thức mở mang không biết thế nào mà kể.
Được mấy năm, đạo sỹ vì tuổi cao sức yếu, lao lực tổn tâm, biết mình chẳng còn sống được bao lâu, bèn gọi Trung sinh lại mà rằng:
– Ta sức tài có hạn, mà bể học vô biên, thấy con có khí chất, những muốn bồi đắp, chỉ hận rằng tháng ngày ngắn ngủi, thầy trò chẳng thể cận kề. Nay con nên đi về phía bắc, đến một vùng gọi là Lao Cai, trong vùng có ngọn núi gọi là Lao Sơn, trên núi có vị thần tiên tên là Lao Ái, người ấy trước với ta vốn là bạn đồng liêu. Con cầm giốc thư này mà trao tay, ắt hẳn sẽ hết lòng chỉ dạy.
Nói đoạn buông tay mà thác.
Trung sinh nước mắt tuôn trào, bèn quỳ xuống mà lạy ba lạy, rồi lo việc an táng xong xuôi, bèn thu xếp bút nghiên, đoản côn, dâm cụ, mà lên đường hướng về phía Bắc.
Trung sinh đi đã lâu, trèo đèo lội suối, trên đường đói ăn thiếu mặc, khổ cực không sao kể xiết. Một bận, đến sông Hồng Hà, mà bụng đói chân run, tưởng rằng phải bỏ xác nơi đất khách. Chợt sinh trông thấy một thiếu nữ đang giặt vải ở bến sông, có mang theo giỏ cơm. Do quá đói, bèn lại mà xin ăn lót dạ. Thiếu nữ thấy Trung sinh mặt mũi khôi ngô, mới đem lòng quyến luyến, bèn lấy giỏ cơm đem cho. Trung sinh ăn uống hồi lâu, đã chắc dạ, sức khỏe đã hồi phục, bèn chắp tay lại vái 2 vái cám ơn. Thiếu nữ nhìn lại Trung sinh, thấy cơ bắp nở nang, thân hình cường tráng, lấy làm thích lắm, bèn lân la hỏi chuyện. Đoạn nói:
– Người như chàng, cớ sao chẳng chịu tính chuyện lấy vợ lập thân, hà cớ gì phải khổ sở mà cầu đạo. Ta tuy chẳng phải vọng tộc danh gia, xong những chuyện sửa túi nâng khăn, phụ mẫu cũng đã từng dạy dỗ. Chẳng hay có thể cùng công tử kết cặp uyên ương mà cận kề sớm tối.
Đáp:
– Nam nhi lập chí, há đâu lại dễ dàng quyến luyến bóng nữ nhân. Tiểu thư đã có lòng, song ta không dám nhận.
Thiếu nữ bèn nói:
– Ta trông chàng xương cốt vững chắc, dương khí thịnh vượng, nhưng da dẻ lại nhợt nhạt, chẳng khác kiếm mới ra lò, tuy thép tốt nhưng chưa hề mài giũa, làm sao đắc dụng được. Nay gặp ở đây cũng bởi tại tiền duyên. Nguyện hy sinh tấm thân này, để chàng thử kiếm.
Nói đoạn bèn kéo Trung vào bụi rậm mà nài cuộc mây mưa. Trung vì chịu ơn, cũng không nỡ chối từ. Cái cuộc trong bộc trên dâu, không biết thế nào mà tả.
Trung sinh tỉnh dậy thì trời đã chập tối, mà thiếu nữ đã đi tự lúc nào, chỉ còn một mảnh yếm hồng, bèn thu lại, cất trong hành lý mà làm kỷ vật.
Lại nhớ đến thiếu nữ, lòng kính phục vô cùng, bèn cắn tay lấy máu mà viết lên đá bài thơ:
Gặp nàng giặt vải ven sông
Cho ăn, cho ấy mà không đòi gì
Sau này danh rạng, một khi
Ngàn vàng đền đáp, rồi thì ấy thêm.
Người đời sau, kẻ khen Trung sinh là tín nghĩa, biết báo ân kẻ giúp mình, có kẻ lại cho rằng: lấy của con người ta cái ngàn vàng, mà lại đền đúng ngàn vàng, ấy thì cũng chỉ là mua bán thông thường, có chi mà phải kể. Nhưng đó là chuyện về sau, ở đây không nhắc tới
Lại nói, Trung sinh bôn ba vất vả, sau cũng tới được núi Lao Sơn, vào gặp thần tiên, xin bái làm sư phụ:
Sư phụ bấy giờ mới gọi Trung sinh lại mà hỏi han tên họ. Đáp rằng:
– Con vốn cơ nhỡ lang thang, được đạo sỹ nhận về nuôi, chẳng được bao lâu đạo sỹ cũng cưỡi hạc quy tiên, con lại bơ vơ, gặp thầy đây khác nào ơn tái tạo, nay xin thầy đặt tên mới cho con.
Sư phụ bèn tủm tỉm cười, lấy tay bấm độn, đoạn nói:
– Con tới từ hướng Nam, ấy là hành Hỏa, da dẻ trắng trẻo, ấy thuộc về hành Kim, mà mắt thì sắc sảo, ướt át, ấy thuộc về hành Thủy. Hỏa thì nóng, mà ở ngoài, Thủy thì rét, mà ở trong, mà Kim thì là sắt thép, trụ ở thân. Trên đời này, vật làm bằng sắt thép mà ngoài nóng, trong lạnh, phi cái tủ lạnh ra, chả còn gì khác. Vậy ta đặt tên con là Tủ Lạnh vậy.
Trung sinh nghe vậy, thấy trong lòng rất đỗi sung sướng, bèn vái 3 vái mà rằng:
– Được sư phụ ban tên, thực ơn như trời biển.
Từ đó ở lại cùng chúng bạn. Ngày thì lên núi hái củi, tối xuống núi kiểm hàng, ngày ngày đều đặn, không trễ biếng khi nào, mới đó mà đã mấy năm.
Một bữa, sư phụ vời Trung sinh lại mà rằng:
– Ngươi mấy năm nay tỏ ra chuyên cần chăm chỉ, cẩn thận cần cù, đúng là có tố chất của người học đạo. Nay ta muốn truyền dạy, chẳng biết ngươi muốn học môn nào?
Đáp:
– Mang ơn sư phụ dắt dìu, mọi sự xin nhờ thầy lựa chọn.
Hỏi:
– Nay ta có phép xuất thế, ngươi có muốn học không?
Đáp:
– Phép ấy thế nào, xin thầy cho biết?
Thầy:
– Ấy là phép giữ toàn chân tính, luyện thuốc nuôi mình, đắc đạo thành tiên, trường sinh bất lão.
Thưa:
– Sinh tử có số, sống chết lẽ thường, hà cớ gì mà lánh khỏi lạc thú cõi trần, dù sống tiêu dao, còn gì vui thích. Phép này con không học. Xin thầy truyền cho phép khác.
Hỏi:
– Vậy ngươi học phép binh chăng?
Thưa:
– Phép ấy ra sao?
Đáp:
– Ấy là gồm lục thao tam lược, biến hóa vô cùng, bày trận hành binh, quỷ thần không biết.
Thưa:
– Chinh chiến vốn là việc bất tường. Huống chi ngày nay thiên hạ thái bình, bá tính ấm no, phép này không có đất dụng võ, con không muốn học. Xin thầy truyền cho phép khác.
Hỏi:
– Vậy ngươi học phép thương thiên chăng?
Đáp:
– Phép ấy thế nào? Nhờ thầy dạy bảo?
– Ấy là việc kinh doanh, buôn đất bán trời, cốt sao cho lãi, có thể thành bậc cự phú, ngang với công hầu, vàng bạc như non, giàu không kể xiết.
Đáp:
– Tiền bạc chỉ là vật ngoại thân, kể như gió thoảng mây trôi, trăng soi bóng nước, con đây không có lòng ham.
Đạo sỹ mới đập bàn giận giữ, đoạn lắc đầu mà rằng:
– Loạn tâm, loạn tâm, loạn tâm
Đoạn đứng dậy, chắp tay sau lưng về phòng đi nghỉ.
Các môn đệ hết sức thất kinh, mới quây lại Trung sinh mà trách móc. Trung sinh chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhếch miệng cười.
Bữa ấy là cuối tháng, nhắm lúc trăng tà, Trung sinh nhân lúc ngắm trăng mà nhớ lại thiếu nữ, tự thấy trong lòng rạo rực, bèn thò tay xuống dưới mà dùng chiêu song thủ hỗ bác, lên xuống trái phải, được chừng dăm phút tự thấy tâm thần thư thái, mà nhìn lại thì đũng quần đã ướt tự lúc nào.
Cứ như vậy 3 lần, cảm thấy sức cùng lực kiệt, mà giọt rồng đã điểm canh 3, bèn gom chút sức tàn mà lết tới phòng sư phụ.
Thấy cửa hé một cánh, liền lén bước bảo, thấy đạo nhân đang ngủ, quay mặt vào tường, xem chừng say sưa lắm, bèn quỳ sát bên giường mà đợi.
Một lúc sau, đạo nhân thức giấc, thò tay xuống quần mà gãi, đoạn đọc mấy câu thơ:
Cửu thiên đâu dễ biết
Thiển trí khó thành tài
Nhất tâm người cố quyết
Thâm tuệ, dễ mấy ai
Lời thơ vừa dứt, Trung sinh liền thưa rằng:
– Con đợi thầy đã lâu, nay xin thầy chỉ dạy !
Đạo nhân bèn nạt rằng:
– Phép thuật ta đã nói hết, ngươi không chịu ưng, còn muốn học chi?
Đáp rằng:
– Lúc ban ngày thầy mắng đệ tử, có nói 3 chữ tâm. Chữ tâm phân ra chiết tự thì là nguyệt tà tam tinh. Nguyệt là trăng, tinh thì là tinh khí, ấy nghĩa là vào lúc trăng tà thì xuất ra tinh khí 3 lần, nay đệ tử đã làm xong, xin gặp thầy thụ giáo.(1)
Đạo nhân mới thảng thốt mà nghĩ rằng:
– Ẩn ý của ta, trăm ngàn người, hiểu nổi không có một. Kẻ nầy đoán được, quả thực người trời, chẳng uổng công ta thu nhận.
Người đời sau có thơ rằng:
Khen cho người thật thông minh
Nửa đêm, giờ tí, x*** tinh ba lần
Thế mới hay, thế mới thần
Phép tiên thầy dạy, chuyên cần luyện ôn
Bèn rằng:
– Ngươi hiểu được như thế, quả là kẻ phi thường. Được, nay ta sẽ truyền phép, chẳng rõ ngươi sở học là gì?
Trung sinh bèn nói:
– Con chỉ muốn luyện cái đạo nhân luân, ấy là bí kíp chốn phòng the, hầu giữ khoái cảm được bền lâu, mà thân thể kiện cường, mong thầy chỉ dạy.
Hỏi:
– Nay ta có bộ tuyệt kỹ, ba mươi sáu chiêu, bảy mươi hai thế, có thể điều khí luyện thân, bất kể đêm ngày, mà có thể địch vạn người, không hề mỏi mệt, lại giúp được trường sinh, ngươi có muốn học chăng?
Đáp:
– Ấy chính là đạo con tìm kiếm bấy lâu, dốc lòng mong thầy truyền thụ.
Dạy rằng:
– Phép này có 3 tầng: tầng thứ nhất là luyện thân, thân thể có cường tráng, thì cuộc vui thú mới được dài lâu, tỷ như leo núi, không có sức không thể lên tới đỉnh. Tầng thứ hai là luyện thuật, ấy là lấy đoản địch trường, lấy ngắn mà bù dài, tỷ như thanh kiếm ngắn mà địch lại mâu dài vậy. Đến tầng thứ 3 là luyện tâm, ấy là tâm vững như sơn, kiềm chế xúc cảm, lúc thì có thể lạnh như băng, lúc lại dạt dào như thác. Luyện được ba tầng ấy, mới coi là đạt vậy.
Hỏi:
– Còn trước khi luyện tập, phải dốc cạn tinh khí, là cớ làm sao?
Đáp rằng:
– Bầu chứa được nước là vì bầu rỗng, kẻ tu đạo hợp lòng trời là bởi cái tâm vô vi. Nay ngươi phải dốc kiệt sức lực của bản thân, tự làm thân trống rỗng, có vậy thì cái đạo ta dạy mới thâm nhập được. Phép học đại khái chỉ là như thế.
Từ đó Trung sinh chăm chỉ luyện ôn, qua mấy năm đã thành tài, có thể độc hổ địch quần hùng, một mình chấp trăm chấp ngàn, sự dũng mãnh không biết thế nào mà kể.
Bèn xin thầy xuống núi, phiêu bạt giang hồ được vài năm, danh tiếng lẫy lừng.
Sau bèn sắm con Lead vàng gương zin, mà tiện chu du thiên hạ.
Có kẻ nghe danh tiếng Trung sinh, lại nhìn thấy dáng người nho nhã, bèn chê rằng ẻo lả, không nam tính chút nào. Trung sinh bèn rút đoản côn ra mà đọ. Tất cả đều đảm vía khiếp hồn, mà tôn lên bậc thánh.
Ấy là sự tích fRzzy ở diễn đàn ta vậy.
Chú thích:
(1): Chữ Tâm, viết theo lối Tàu, gồm 1 nét xổ xuống rồi hất lên, và 3 dấu chấm. Dân gian mường tượng như mảnh trăng khuyết và 3 ngôi sao, nên gọi là Nguyệt Tà Tam Tinh. Sách Tây Du Kí có chép, nơi động mà Tộ Không học phép của Bồ Đề Tổ Sư, cũng là Nguyệt Tà Tam Tinh động vậy.